Gây mất trật tự công cộng là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Người có hành vi gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi gây rối trật tự công cộng được điều chỉnh theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong đó sẽ áp dụng mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người có một trong những hành vi sau đây:
“a) Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
b) Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;”
Theo khoản 1 Điều 318 BLHS thì:
“Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Cụ thể ở đây là tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 BLHS, theo đó hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; việc gây ảnh hưởng xấu phải có hậu quả và phải chứng minh được hậu quả đó và mức độ thiệt hại do hành vi này gây ra.
Trong pháp luật chưa có quy định hay định nghĩa cụ thể nào cho cụm từ “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” nhưng có thể hiểu bản chất hậu quả của tình tiết này là phi vật chất.
BLHS năm 2015 cũng quy định hình phạt đối với hành vi phạm tội gây rối trật tự công cộng có sử dụng vũ khí, có hành vi phá phách và bị truy tố, xét xử ở điểm b khoản 2 Điều 318.
Theo quy định nêu trên thì người phạm tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ bị phạt tù từ 02 đến 07 năm.
Cụ thể, áp dụng đối với người phạm tội gây rối trật tự công cộng trong các trường hợp sau:
– Có tổ chức;
– Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
– Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
– Xúi giục người khác gây rối;
– Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
– Tái phạm nguy hiểm.
Tuy nhiên đối với trường hợp người phạm tội gây rối trật tự cộng bị phạt tù không quá 03 năm thì có thể được hưởng án treo theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP (được sửa đổi bởi Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP) nếu đảm bảo đáp ứng các điều kiện hưởng án treo như:
– Chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân;
– Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP;
– Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Tuy nhiên, điểm khác nhau giữa quy định pháp luật về xử phạt hành chính và quy định pháp luật hình sự đối với loại tội phạm này còn chưa thực sự rành mạch, rõ ràng và trong thực tế có sự vận dụng linh hoạt, tuỳ tiện từ phía người tiến hành tố tụng, dễ dàng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có các hành vi này trong khi thực tế, diễn biến cho thấy hoàn toàn có thể áp dụng xử phạt hành chính.